Người cầm bút đừng quên sứ mệnh!

Trải qua 94 năm, báo chí Cách mạng Việt Nam luôn khẳng định được vai trò của mình trong việc truyền bá tư tưởng cách mạng; Truyền tải thông tin mọi mặt đời sống xã hội đến với công chúng mọi tầng lớp; Tham gia giám sát, phát hiện những tiêu cực để đấu tranh cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn; Đóng góp ý kiến, phản biện về đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý… Tuy nhiên, trong hoạt động báo chí hiện nay, đâu đó vẫn còn những người cầm bút lãng quên sứ mệnh của mình!

Tiên phong trên mọi lĩnh vực

Trong bài phát biểu với nhan đề: “Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có đoạn: “Xã hội càng phát triển thì báo chí càng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống hàng ngày của mỗi quốc gia, dân tộc. Đó vừa là niềm vinh dự lớn, vừa đặt ra những yêu cầu và trách nhiệm nặng nề đối với những người làm báo”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định tầm vai trò quan trọng của báo chí đối với cuộc cách mạng Việt Nam. Đó là, muốn làm cách mạng, trước hết phải truyền bá tư tưởng cách mạng – tư tưởng của Chủ nghĩa Mác – Lênin; phải vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng cách mạng… Đó là lý do mà ngày 21/6/1925, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã cho ra đời tờ báo cách mạng đầu tiên ở Việt Nam.

Kể từ đó đến nay, lực lượng người làm báo luôn sẵn sàng xông pha trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội để kịp thời phản ánh những tiêu cực gây bức xúc trong xã hội; Tích cực đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; tham gia phản bác các luận điệu thù địch, xuyên tạc; bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng; Biểu dương những gương điển hình tiên tiến; Định hướng dư luận xã hội; Quảng bá hình ảnh về đời sống văn hóa, xã hội con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế… Nhiều nhà báo đã không ngại gian nan đến với những nơi khó khăn nhất, thậm chí có những mất mát hi sinh như tấm gương nhà báo Đinh Hữu Dư, phóng viên TTXVN bị tử nạn trong trận lũ quét ở Yên Bái vào năm 2017.

Từ lâu, báo chí đã trở thành một thứ hơi thở không thể thiếu đối với công chúng, mà mỗi chúng ta là những người đang hàng ngày tạo ra thứ hơi thở thiêng liêng ấy. Điều này đang đặt lên vai những người làm báo một trách nhiệm nặng nề đối với xã hội. Trách nhiệm đó được thể hiện qua mỗi tác phẩm báo chí, mỗi thông tin mà qua từng trang báo chúng ta đang tạo ra cho bạn đọc, thậm chí là cả đồng nghiệp, để họ thưởng thức hàng ngày, hàng giờ. Thứ hơi thở mà mỗi chúng ta đang tạo ra có giúp cho công chúng được hít thở trong lành hay không, lại còn tùy thuộc vào cái “tâm” của mỗi người làm báo…

Hoàn thành sứ mệnh

Hiện nay, cả nước có 849 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh – truyền hình, khoảng 100 báo, tạp chí điện tử, một hãng Thông tấn quốc gia, với khoảng 35 nghìn người làm việc, trong đó có gần 20 nghìn là nhà báo chuyên nghiệp; tỉ lệ người làm báo có trình độ đại học và trên đại học là 95,9%. Thế mới thấy đội ngũ những người làm báo ở Việt Nam rất hùng hậu.

Thời gian qua, báo chí đã thể hiện tốt vai trò tiên phong trong phản ánh mọi mặt đời sống xã hội, trong đó phải ghi nhận sự vào cuộc của báo chí trong việc giám sát, phát hiện tiêu cực, tham nhũng. Đã có rất nhiều vụ án tham nhũng được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nhờ có thông tin phản ánh của báo chí. Thế nhưng một thực tế là mỗi năm, sự xuất hiện của những tác phẩm báo chí để lại dấu ấn cho bạn đọc, và tạo hiệu ứng tốt cho xã hội còn chưa thật sự tương xứng với lực lượng hùng hậu của người làm báo; Chưa tạo được sự cân bằng về môi trường thông tin, giữa thông tin tích cực và tiêu cực. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, mỗi chúng ta cần nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Hiện nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, internet đã phủ sóng trên diện rộng, mạng xã hội đang chiếm ưu thế về tốc độ truyền tải thông tin. Do đó, để phát huy được vai trò của báo chí, và làm cho bạn đọc biết chọn lọc thông tin, phân  biệt được thông tin chính thống và thông tin “rác”, trách nhiệm của người làm báo không chỉ đơn thuần là đưa tin, mà cần có định hướng dư luận xã hội qua từng thông tin. Như Tổng Bí  thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng hướng dẫn: “Báo chí không chỉ thuần túy đưa thông tin, mà phải có phân tích, bình luận, có định hướng để giúp người đọc, người xem, người nghe hiểu rõ cái đúng, cái sai. Qua đó, giúp mọi người biết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng, làm theo cái tốt, cái đẹp, biết ghét thói hư tật xấu và hướng tới những giá trị nhân văn cao cả, vì cuộc sống bình yên, tốt đẹp của mọi người, mọi nhà và cả xã hội”.

Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam cũng nêu: “Những yếu kém của báo chí hiện nay, trước hết là do một bộ phận người làm báo còn non kém về chính trị, nghiệp vụ, đặc biệt là thiếu trách nhiệm xã hội và vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Người đứng đầu một số cơ quan báo chí buông lỏng quản lý nội dung thông tin, quản lý đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, quá nhấn mạnh chức năng giải trí, chạy theo lợi nhuận đơn thuần mà xem nhẹ các chức năng định hướng, giáo dục và thẩm mỹ của báo chí; thậm chí còn lợi dụng báo chí để mưu lợi cá nhân, lợi ích nhóm…”.

Bởi vậy, hơn lúc nào hết, để xứng đáng với niềm tin của Đảng, chính quyền và nhân dân, những người làm báo chúng ta cần thấy hết vinh dự và trách nhiệm lớn lao của nghề làm báo – một nghề cao quý, thiêng liêng, nhất là trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước. Mỗi người “khoác” trên mình tấm áo vô hình – tấm áo quyền lực mà dư luận xã hội gọi là “quyền lực thứ tư”, cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là đạo đức nhà báo. Bên cạnh việc truyền tải những thông tin thời sự, chính trị hàng ngày, tham gia hoạt động kinh tế báo chí, mỗi người làm báo cần tự đặt lên vai mình trách nhiệm với xã hội trong việc bảo vệ lẽ phải, bảo vệ kẻ yếu, đấu tranh với những sai trái cả về tư tưởng và hành vi trong mọi mặt đời sống xã hội.

Thật ý nghĩa sâu sắc, khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói trong bài phát biểu: “Ai cũng nói là báo chí phải thông tin đúng sự thật, phải khách quan. Nhưng sự thật đó là sự thật nào? Sự thật nhìn dưới góc độ nào? Động cơ dụng ý nói ra để làm gì? Có lợi cho ai và có hại cho ai? Nói ra để xây dựng hay để phá hoại?… Đây là vấn đề mấu chốt, cực kỳ quan trọng và quyết định”. Hay lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần đặt vấn đề và định hướng cho chính những người làm báo: Báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa; cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Như vậy, trách nhiệm của báo chí thật hết sức nặng nề và vẻ vang.

Mới đây, trong một lần trò chuyện cùng nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, chia sẻ với tôi: “Chúng ta làm báo là phục vụ xã hội; báo chí là đại chúng chứ không phải của một nhóm lợi ích hay cá nhân ai. Có xác định được như vậy, mỗi người làm báo chúng ta mới thấy được giá trị và sứ mệnh cao cả đang đặt trên vai mình…”.

Nguồn: Nguyễn Khuê ( báo Nhân đạo & Đời sống)

Phản hồi